Bộ GD-ĐT công bố kết quả kiểm tra thực hiện 3 công khai của 23 trường ĐH-CĐ miền Trung và miền Nam.
Nội dung kiểm tra gồm tình hình thực hiện 3 công khai; tình hình xét tuyển và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009; tình hình thực hiện cam kết theo đề án khả thi thành lập trường đối với các trường thành lập từ năm 1998 đến nay.
Theo đó, đoàn kiểm tra nhận xét về công tác tuyển sinh, trong 23 trường kiểm tra có trường tuyển vượt chỉ tiêu, nhưng cũng còn khá nhiều trường tuyển sai khối và thiếu chỉ tiêu. Cụ thể, Trường CĐ Sư phạm Thừa Thiên - Huế tuyển sinh CĐ vượt 12%; Trường ĐH Hùng Vương cũng tuyển hệ CĐ vượt lên 68%; Trường CĐ Nguyễn Tất Thành tuyển CĐ vượt 18,5%.
Bộ GD-ĐT cho biết thêm, đối với trường ĐH Hùng Vương và CĐ Nguyễn Tất Thành, năm 2008 ĐH Hùng Vương đã tuyển vượt chỉ tiêu ĐH là 22,4% và CĐ là gần 50%; CĐ Nguyễn Tất Thành tuyển vượt 16%.
Một số trường tuyển sinh sai khối như: ĐH Đông Á, CĐ Phương Đông, ĐH Văn Hiến. Trường tuyển sinh không đủ chỉ tiêu được giao như: ĐH Quốc tế Sài Gòn chỉ đạt 117 ĐH/500 chỉ tiêu, 78 CĐ/350 chỉ tiêu; Trường ĐH Văn Hiến, ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cũng chỉ đạt gần 300 ĐH/500 chỉ tiêu; Trường CĐ KTCN Đồng Nai tuyển được 898 CĐ/1.800 chỉ tiêu và 1.630 TCCN/2.300 chỉ tiêu; Trường ĐH Đông Á tuyển được 81 ĐH/450 chỉ tiêu, 748 CĐ/1.700 chỉ tiêu; Trường ĐH Phan Châu Trinh (242 ĐH/600); Trường CĐ Kỹ thuật Công nghiệp Quảng Ngãi (172 CĐ/900 chỉ tiêu); Trường ĐH Phạm Văn Đồng (242 ĐH/400 chỉ tiêu).
Về việc thực hiện công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, dù 23/23 trường đều đã có báo cáo nhưng đoàn kiểm tra cho biết có đến 20/23 trường chưa công khai danh sách cán bộ giảng viên cũng như lý lịch khoa học của từng giảng viên trên mạng. Thậm chí, tại các trường ngoài công lập, hợp đồng giảng dạy của các giảng viên thỉnh giảng chưa có đồng ý của cơ quan quản lý giảng viên hay còn trường có giảng viên hợp đồng dài hạn hiện là cán bộ của cơ quan khác.
Trong số 23 trường được kiểm tra có 7 trường ĐH và 4 trường CĐ được thành lập trong thời gian 10 năm qua và 2 trường thành lập 15 năm (ĐH DL Văn Hiến và ĐH DL Hùng Vương). Cam kết theo đề án khả thi thành lập trường thì vẫn còn trường ĐH Phan Châu Trinh chưa có quyết định giao đất chính thức của UBND tỉnh. 2 trường thành lập đã được gần 15 năm thì vẫn phải thuê mướn cơ sở vật chất ở nhiều nơi, điều kiện tổ chức đào tạo kém, không đủ điều kiện về môi trường sư phạm, điều kiện học tập, nghiên cứu cho sinh viên và học sinh...
Các thông tin nhằm phục vụ sinh viên như chương trình đào tạo, giới thiệu môn học, lý lịch khoa học của giảng viên, danh mục giáo trình, thông tin về các hoạt động của trường không đầy đủ, do vậy chưa thu hút được sự quan tâm của sinh viên.
Việc công khai học phí, lệ phí ở các trường thường không rõ ràng, cụ thể.