Nhiều thông tin mới về tuyển sinh ĐH, CĐ và thi tốt nghiệp THPT năm 2010 mà thí sinh rất cần biết: môn ngoại ngữ sẽ không là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, hạn chế số hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) thí sinh nộp vào cùng một trường, được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tiếp tại trường...
Đó là những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 được tiến sĩ Nguyễn An Ninh, cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), đưa ra trong cuộc trao đổi với phóng viên ngày 6-1.
Tăng lệ phí
* Quy chế tuyển sinh năm nay sẽ sửa đổi, bổ sung những nội dung gì?
- Về cơ bản, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 vẫn giữ ổn định theo giải pháp ba chung như các năm trước, chỉ có một số điểm mới được bổ sung, sửa đổi vào quy chế tuyển sinh liên quan đến đối tượng dự thi, quy định về số thí sinh và số cán bộ coi thi cho mỗi phòng thi...
Năm 2010 sẽ là năm có khóa học sinh đầu tiên tốt nghiệp trung cấp nghề (hệ tốt nghiệp THCS, đã học đủ khối lượng kiến thức và thi đạt các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT), đủ điều kiện tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy. Vì vậy trong quy định về đối tượng dự thi tuyển sinh sẽ bổ sung thêm HS tốt nghiệp trung cấp nghề.
* Năm 2010 có áp dụng mức lệ phí tuyển sinh mới không, thưa ông?
- Kỳ thi tuyển sinh năm 2010 dự kiến có thay đổi về mức lệ phí và phương thức thu lệ phí đối với thí sinh dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Theo kiến nghị của các trường ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT đã đề xuất với Bộ Tài chính xem xét thay đổi phương thức thu lệ phí tuyển sinh thay vì chia thành hai khoản lệ phí ĐKDT và lệ phí dự thi, thí sinh sẽ nộp luôn một lần toàn bộ lệ phí tuyển sinh cùng với hồ sơ ĐKDT.
Học phí chỉ tính theo tiền đồng VN
Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục yêu cầu các trường ĐH, CĐ ngoài công lập công bố công khai mức thu học phí theo tháng hoặc năm học đối với khóa tuyển sinh năm 2010 trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2010. Đối với những trường đã tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ, học phí cũng quy đổi theo tháng hoặc năm học. Bộ cũng quy định rõ học phí chỉ tính theo tiền đồng VN.
Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị năm 2010 tăng lệ phí tuyển sinh thêm 10.000 đồng/hồ sơ. Nếu được lãnh đạo Bộ Tài chính chấp thuận, hai bộ sẽ có văn bản chính thức quy định lệ phí tuyển sinh mới là 70.000 đồng/bộ hồ sơ ĐKDT.
Một hồ sơ
* Được biết Bộ GD-ĐT dự kiến sửa đổi một số quy định về hồ sơ ĐKDT, xét tuyển ĐH, CĐ liên quan trực tiếp đến thí sinh. Cụ thể những quy định này sẽ thay đổi như thế nào, thưa ông?
- Đối với hồ sơ ĐKDT, Bộ GD-ĐT dự kiến quy định khi nộp hồ sơ mỗi trường - dù là trường đa ngành, tuyển sinh theo ngành - thì ở mỗi khối thi thí sinh chỉ được nộp một hồ sơ duy nhất. Trường đó có trách nhiệm cho phép thí sinh được chuyển đổi ngành ĐKDT. Thí sinh được phép thay đổi, chọn lại ngành dự thi khi đến làm thủ tục dự thi. Việc chuyển đổi chỉ được thực hiện trước khi thí sinh chính thức bước vào kỳ thi. Sau khi thi xong, thí sinh không được thay đổi nữa.
Đối với hồ sơ đăng ký xét tuyển, từ kỳ thi tuyển sinh năm 2010 khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, NV3, ngoài việc gửi hồ sơ và lệ phí xét tuyển qua đường bưu điện như những năm trước, thí sinh sẽ được nộp trực tiếp tại các trường tùy theo điều kiện cụ thể. Các trường có trách nhiệm tổ chức thu nhận hồ sơ và lệ phí đăng ký xét tuyển của thí sinh nộp trực tiếp tại trường. Hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh dù nộp theo phương thức nào đều có giá trị xét tuyển như nhau.
Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc
Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT dự kiến từ năm 2010 sẽ quy định thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT phải thi sáu môn. Trong đó, hằng năm chỉ ấn định hai môn là ngữ văn và toán. Bốn môn còn lại sẽ được Bộ GD-ĐT chọn luân phiên trong sáu môn gồm: ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, lịch sử và được công bố chính thức vào cuối tháng 3 hằng năm.
Riêng thí sinh học ngoại ngữ không đủ theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và thí sinh tại các vùng khó khăn về điều kiện dạy học có thể được thi môn thay thế môn ngoại ngữ. Như vậy từ năm 2010, trong số các môn thi tốt nghiệp không còn cố định môn ngoại ngữ như trước.
Kỳ thi năm 2010 cũng có sự điều chỉnh về cấu trúc đề thi và quy định làm bài đối với thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Đối với các môn thi mà đề thi có hai phần bắt buộc (theo chương trình chuẩn) và phần tự chọn (theo chương trình nâng cao của từng ban), thí sinh chỉ được làm một phần tự chọn, tùy chọn không bắt buộc theo đúng chương trình phân ban đã học. Nếu thí sinh làm cả hai phần tự chọn thì phần bài làm của cả hai phần tự chọn đều không được chấm.
* Thưa ông, vậy phương thức tổ chức thi và chấm thi tốt nghiệp năm nay có sự điều chỉnh nào không?
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tiếp tục tổ chức thi theo cụm trường như năm 2009. Riêng đối với các địa phương vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, địa bàn chia cắt, giao thông không thuận tiện hoặc các tỉnh miền núi, đông HS dân tộc, điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn có thể báo cáo bộ cho phép tự chọn phương án tổ chức thi.
* Sau kỳ thi tốt nghiệp năm 2009, có khá nhiều ý kiến phản ảnh về việc quy định chấm phúc khảo chưa hợp lý và đề nghị Bộ GD-ĐT thay đổi nguyên tắc chấm phúc khảo bài thi để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Ở kỳ thi tốt nghiệp năm nay, Bộ GD-ĐT đã xem xét điều chỉnh vấn đề này chưa, thưa ông?
- Trên cơ sở xem xét, nghiên cứu từ thực tế công tác kiểm tra đánh giá trong nhà trường và kết quả chấm phúc khảo những năm gần đây, từ năm 2010 Bộ GD-ĐT dự kiến điều chỉnh một số quy định liên quan đến phúc khảo bài thi tốt nghiệp. Trước hết là rút ngắn thời hạn nộp đơn xin phúc khảo của thí sinh để đẩy nhanh tiến độ phúc khảo bài thi.
Bộ cũng sẽ điều chỉnh điều kiện phúc khảo: hạ mức điểm chênh lệch giữa điểm bài thi và điểm tổng kết năm học lớp 12 của môn thi từ thấp hơn 2 điểm xuống còn thấp hơn 1 điểm. Thay đổi này sẽ mở rộng diện phúc khảo, tạo điều kiện giải quyết tốt hơn các sai lệch trong chấm thi.
Đồng thời, bộ cũng sẽ hạ mức chuẩn chênh lệch được điều chỉnh điểm thi sau phúc khảo để bảo đảm quyền lợi của thí sinh: từ kỳ thi năm nay, điểm bài thi sẽ được điều chỉnh khi điểm chấm phúc khảo chênh lệch so với điểm chấm lần đầu từ 0,5 điểm trở lên. Riêng đối với môn ngữ văn được điều chỉnh điểm khi bài thi có điểm chấm phúc khảo chênh lệch so với điểm chấm lần đầu từ 1 điểm trở lên.
24H.COM.VN (Theo Tuổi trẻ)