1. Thí sinh tự do khai mục 13 thế nào?
Mục 13 của phiếu đăng ký dự thi là nơi khai mã đơn vị đăng ký dự thi và phần xác nhận của người khai phiếu. Thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT tại đâu thì ghi ở nơi đó, mã đơn vị ĐKDT cũng chính là nơi mà thí sinh nộp hồ sơ.
Theo quy định, thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT tại tỉnh, thành phố mà mình có hộ khẩu thường trú thì ghi mã đơn vị ĐKDT theo quy định của Sở GD-ĐT. Nếu nộp tại nơi mà mình không có hộ khẩu thường trú thì ghi mã đơn vị ĐKDT theo diện vãng lai.
Đối với thí sinh tự do, phần “Xác nhận người khai phiếu này” sẽ do công an xã/phường nơi thí sinh có hộ khẩu thường trú ghi và ký tên đóng dấu đỏ.
2. Thí sinh tự do nộp hồ sơ ở đâu? Hồ sơ của thí sinh tự do có khác so với hồ sơ của học sinh đang học lớp 12?
Thí sinh tự do có thể nộp hồ sơ dự thi ở tất cả các điểm thu nhận thuộc Sở GD-ĐT (nơi gần nhất). Bộ GD-ĐT cũng không quy định riêng hồ sơ ĐKDT cho học sinh lớp 12 và hồ sơ ĐKDT cho thí sinh tự do, tất cả đều là một mẫu duy nhất.
3. Học sinh lớp 12 được nộp hồ sơ dự thi tại mấy nơi?
Theo quy định, thí sinh tự do nộp hồ sơ theo hệ thống của các Sở GD-ĐT từ ngày 10/3 đến 10/4/2009, sau ngày này nộp tại các trường tổ chức thi từ ngày 11/4 đến 17/4. Riêng học sinh đang học lớp 12 THPT tại trường nào thì nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại trường đó (từ 10/3 đến 10/4). Học sinh đang học lớp 12 không nộp hồ sơ qua Sở GD-ĐT.
Đối với các thí sinh ĐKDT vào những trường ở xa, nhiều Sở GD-ĐT không thu nhận hồ sơ, thí sinh nên chuyển hồ sơ và lệ phí ĐKDT nhờ người quen đến nộp trực tiếp tại trường, nhận lại đầy đủ phiếu số 2 và biên lai đóng tiền lệ phí.
Như vậy, học sinh lớp 12 có thê nộp hồ sơ tại hai nơi: 1. Trường THPT mình đang theo học (từ 10/3 đến 10/4). 2. Trực tiếp tại trường ĐH, CĐ mà mình sẽ dự thi.(từ 11/4 đến 17/4)
4. Sau 10/4, thí sinh nộp hồ sơ dự thi ghi mã đăng ký dự thi thế nào?
Sau ngày 10/4 là ngày cuối cùng của hạn nộp hồ sơ tại Sở GD-ĐT, thí sinh nào nộp hồ sơ ĐKDT tại trường thì ghi mã ĐKDT là 99 (nơi nộp hồ sơ ĐKDT ghi tên trường dự thi)
5. Tất cả các hồ sơ dự thi ĐH đều giống nhau?
Mẫu hồ sơ được áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Hồ sơ có mặt ở tất cả các địa phương đều có giá trị như nhau. Thí sinh có thể sử dụng hồ sơ ĐKDT của bất cứ địa phương nào phát hành để nộp đều được chấp nhận.
Tuy nhiên, trừ hồ sơ dự thi vào các trường thuộc khối Quốc phòng, An ninh là riêng biệt. Hồ sơ dự thi vào hai khối trường này là hồ sơ đặc chủng, chỉ do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an ban hành, không bán trên thị trường.
6. Có cần phải công chứng giấy tờ gì khi nộp hồ sơ dự thi?
Thí sinh không cần phải công chứng giấy tờ gì khi nộp hồ sơ ĐKDT, trừ việc phải có xác nhận vào mục 13 của hồ sơ dự thi phần “Xác nhận người khai phiếu này” của công an xã/phường nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (nếu là thí sinh tự do) hoặc hiệu trưởng xác nhận (nếu là thí sinh thi lại ĐH và học sinh lớp 12).
Thí sinh nếu không về địa phương chứng nhận hồ sơ được có thể gửi về nhà và nhờ người thân chứng nhận giúp.
7. Có thể mua tối đa bao nhiêu bộ hồ sơ dự thi và mỗi khối được tối đa bao nhiêu bộ, được đăng ký tối đa bao nhiêu trường ĐH?
Bộ GD-ĐT không quy định giới hạn cho phép mỗi thí sinh chỉ được nộp bao nhiêu bộ hồ sơ hay chỉ được đăng ký bao nhiêu ngành, bao nhiêu trường ĐH. Thí sinh có thể mua bao nhiêu bộ hồ sơ tuỳ ý, đăng ký bao nhiêu trường ĐH tuỳ ý. Nhưng thí sinh cần lưu ý đến lịch thi và khối thi để tránh trùng.
Tuy nhiên, với bao nhiêu bộ hồ sơ thì thí sinh cũng chỉ có thể thi hai trường thuộc hai khối khác nhau và có lịch thi khác nhau